Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Nước Việt Nam đang như một chiêc lá mỏng rơi nghiêng

Bà Đầm Xòe | Dân Luận





Nhà thơ Trần Đăng Khoa từ những năm 70 của thế kỷ trước có câu thơ: “Tiếng rơi rơi mỏng như là rơi nghiêng”. Nghĩa là cái lá ấy mỏng rơi xuống đất không có một tiếng động nào vì nó rơi nghiêng.
Đất nước ta, tôi thấy, cũng đang như một chiếc lá mỏng không trọng lượng rơi nghiêng. Nghĩa là, độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước cứ lệ thuộc dần, mất dần từng bước bởi Trung Quốc. Nó cũng còn có nghĩa là, Trung Quốc muốn làm gì trên đất nước ta cũng đều được cả. Tính độc lập tự chủ của nước Việt Nam chỉ còn có vật nài Trung Quốc “nhóm tay làm phúc” nữa mà thôi. Ông Trần Đại Quang, đại tướng, chủ tịch nước Việt Nam, hôm 11/5/2017, tại Bắc Kinh đã chính thức vật nài như vậy khi ông nói: “Mong rằng Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam nên quan tâm hơn đến môi trường của Việt Nam”. 

Một nguyên thủ mà phải hạ mình cầu xin như vậy, không dám dỏng dạc tuyên bố rằng, bất kỳ ai đầu tư vào Việt Nam đều phải tuân thủ Luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế mà chỉ là đề nghị thì đất nước đó chả đã như một chiếc lá không trọng lượng rơi nghiêng, không dám phát ra một tiếng động nào.

Con đường đất nước Việt Nam rơi nghiêng bắt đầu từ năm 1990 khi những người đứng đầu đất nước (Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư; Đỗ Mười, thủ tướng, Lê Đức Anh, chủ tịch nước; Phạm Văn Đồng, cố vấn) ký thỏa thuận Thành Đô năm 1990, gắn chặt sự tồn vọng của đất nước Việt Nam với sự tồn vong của đất nước Trung Quốc. Kể từ đây, con thuyền Việt Nam bồng bềnh như chiếc lá không trọng lượng cứ nghiêng rơi, nghiêng rơi xuống mãi.
Ngoài những chủ trương đường lối được hai nước ngày ngày truyền thông kiểu “đồng thanh tương ứng”, từ chỗ “núi liên núi, sông liền sông, chung một biển Đông, môi hở răng lạnh, vừa là đồng chí vừa là anh em”, tiến đến “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông,Văn hóa tương đồng,Vận mệnh tương quan. Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”; còn là những hiện thực tạo nên lực hút làm cho chiếc lá Việt Nam rơi nghiêng thêm gia tăng tốc độ bởi: Bô xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng, không thể không làm; bởi cán thép Formosa sẽ đem lại sức sống mới cho dân sinh khu Bắc miền Trung không thể bỏ lỡ cơ hội; bởi đường sắt trên cao Hà Đông- Cát Linh, chiếc đũa thần giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông cho Hà Nội thân yêu, không thể bỏ qua; bởi Nhà máy Đạm Ninh Bình, sắt thép Thái Nguyên, Cán thép Đình Vũ, xi măng lò đứng xây dựng khắp nơi, Nhiệt điện Quang Ninh và hàng trăm dự án, công trình khác rải kín khắp nước Việt Nam. Các dự án ấy, tất cả đều đội vốn, đều kéo dài thời gian thi công, dẫn đến đắp chiếu cả loạt và điều đặc biệt cần phải nhấn là, nó như một lực lượng đặc biệt chiếm giữ những vị trí chiến lược then chốt, xung yếu nhất của nước Việt Nam. Bô xít Tây Nguyên, một vị trí chiến lược “còn Tây Nguyên là còn đất nước” trở thành vị trí cho chủ trương lớn của đảng rước Trung Quốc vào để Việt Nam bị bắm nát, bị hao tâm tốn của, càng làm càng lỗ bởi chủ trương lớn này. Hạng mục công trình đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh như một con rắn khổng lồ trườn dài quấn canh những huyệt đạo rồng thiêng Thăng Long, làm từ năm 2011 đến nay vẫn không xong; càng làm càng phải vay thêm tiền từ Trung Quốc để đầu tư cho nhà thầu Trung Quốc. Mới hôm qua, 11 /5/2017, Việt Nam lại được Trung Quốc ra ơn cho vay thêm 5.500 tỷ đồng, tương đương với 250 triệu đô la để tiếp tục thi công tuyến đường sắt này, nâng số vốn đầu tư lên 18.000 tỷ đồng, tương đương với 886 triệu đô la, gần gấp đôi so tiền dự toán ban đầu là 552 triệu 860 ngàn đô la. Đặc biệt, công trình sản xuất thép Formosa đến từ Đài Loan (Trung Quốc), bị cả thế giới xua đuổi nhưng lại được Việt Nam trải thảm đỏ rước vào, trở thành con ác quỷ, hủy họai và làm chết dần, chết từ từ hơn nửa đất nước Việt Nam, từ Nghệ An trở vào.
Tóm lại, sự đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, mới chỉ nhìn thấy họ chiếm những vị trí xung yếu, rồi đào bới, xây dựng nhà cửa, hầm cống, xả thải hủy hoại môi trường mà chưa thấy có sản phẩm công nghiệp đáng kể nào được tiêu thụ trên thị trường. Trong khi đó, hàng hóa công nghiệp giá rẻ, độc hại của Trung Quốc vẫn ồ ạt tràn sang chiếm lĩnh toàn thị trường Việt Nam. Đến mức sau 30 năm đổi mới, Việt Nam không thể có một loại hàng hóa công nghiệp nào có thể trụ được, thậm chí đến cái đinh ốc cũng không sản xuất và bán được. Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa bị chết một cách thảm hại, không thể ngóc đầu lên được.
Cái chết sâu sa và cơ bản hơn, đó là cái chết của nền sản xuất nông nghiệp. Từ con lợn, con gà, đến mớ rau hoa lá củ quả cũng từng nấc, từng bước chết như sung rụng bởi giá cả người Trung Quốc mua khi lên khi xuống, bởi những chất độc hại mà người Trung Quốc khuyến khích ngươi Việt Nam sử dụng vào sản phẩm và đáp số cuối cùng là nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cứ chết dần dần cho đến chết cả nút cả cụm bởi bàn tay của Trung Quốc. Đến mức ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây phải kêu lên trước toàn thể nhân dân: chết lúa, chết khoai, chết lợn, tiếp đến là chết cái gì nữa, cứu cái gì nữa đây?
Kinh tế tương tác với nhau thì như vậy. Còn về con người cũng bị bàn tay phù thủy biến ảo của Trung Quốc làm cho từng chiếc lá Việt lặng lẽ rơi nghiêng. Ai nghe, ai theo Trung Quốc thì còn. Ai, thỉnh thoảng mở miệng ra nói đúng sự thật về quan hệ Việt Nam -Trung Quốc, người đó không bao giờ trụ được trên ghế lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Điển hình là ông Nguyễn Tấn Dũng. Khi đang là thủ tưởng, ông ấy chỉ nói “Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông” và công khai trên diễn đàn quốc hội qua truyền hình trực tiếp rằng Hòang Sa và một số đảo ở Trường Sa của ta bị Trung Quốc chiếm. Lập tức ông buộc phải “tự nguyện” bị loại. Bởi, nếu ông Dũng không chấp nhận bị loại, Trung Quốc sẽ điều lực lượng vũ trang đến Hà Nội. (Khi Đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII đang diễn ra thì Quốc hội Trung Quốc thông qua dự luật đưa quân đội ra nước ngoài). Sau ông Dũng đến La Thăng và đại tướng quân Đỗ Bá Tỵ. Đại tướng Tỵ mới chỉ nói: đề cao cảnh giác, tăng cường sức mạnh quân sự trên tuyến biên giới phía Bắc; lập tức đại tướng Tỵ bị vô hiệu hóa hàm Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng, bị nhóm quyền lực thân Tàu điều sang làm người giúp việc (phó chủ tịch quốc hội) cho cô du kích Bến Tre Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ tịch quốc hội).
Năm 2015, khi ông Đinh La Thăng đang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải công khai mắng nhà thầu Trung Quốc, đòi chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc thi công trên tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh; cũng Lập tức Thăng bị chiếu yêu, và bị đuổi khỏi Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương vào ngày 10.5.2017, và hiện đang đối mặt với khả năng bị khởi tố, tống tù.
Ngược lại, những ai chủ trương tán đồng đi theo đường lối của Trung Quốc, dù có tham nhũng, dù có tuổi cao già yếu như Nguyễn Phú Trọng thì kiểu gì cũng ở lại với ngôi cao nhất – Tổng bí thư. Khả năng ông Trọng còn tại vị chức Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam cho đến hết khóa và có thể kéo dài cho đến hết đời. Đại tướng nhưng chỉ biết làm công tác chính trị như Ngô Xuân Lịch thì ung dung lên làm bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Tham lam, tham nhũng cả đống, lại còn muốn sử dụng biện pháp mạnh để nhanh chóng nhập nước Việt Nam vào nước Tàu như Phùng Quang Thanh, rốt cuộc cũng không hề hấn gì. Những người khác, nhờ trung thành đi theo đường lối xây dựng đất nước như nước Trung Quốc, chức tước cứ lên vù vù.
Một đất nước, hễ cứ có ai lên tiếng, dù đúng dù sai, nhưng Trung Quốc không đồng tình thì tất cả liền bị hạ bệ cho liệt vị. Cứ như nước Việt Nam đã là một bộ phận của đất nước Trung Quốc rồi.
Hiện tại, trong giới lãnh đạo chóp bu cao cấp có tư tưởng độc lập dân tộc, muốn lái con thuyền Việt Nam ngã theo châu Âu, phương Tây, thẳng thắn lên tiếng về sự thật trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam như đã không còn một ai. Tất cả giường như đều thuận theo đường lối kiến quốc theo khuôn mẫu của Trung Quốc. Chỉ còn một chút hy vọng ở ông chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông Quang từ khi lên làm chủ tịch nước đến giờ chưa từng sang “thăm” Trung Quốc. Nhưng sự le lói niềm tin này đã phủ bóng đen khi ngày 11/5.2017, tại Bắc Kinh ông chủ tịch đã cầm chịch ký với Trung Quốc 5 văn kiện hợp tác*. Dư luận cho rằng, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng cầm đầu sang thăm và ký với Trung Quốc 15 văn bản Thỏa Thuận và Ghi Nhớ vào hồi đầu năm 2017, những gì thuộc về độc lập và chủ quyền của dân tộc còn lại, ông Quang đã ký nốt.
Ôi, một dân tộc có hơn 90 triệu người, đứng thứ 11 trên bản đồ dân số thế giới, có 24 ngàn giáo sư tiến sĩ, dưới sự dẫn dắt của đảng Mác xít tiên phong mà đất nước lâm vào cảnh như chiếc lá mỏng thủng lỗ chỗ rơi nghiêng xuống khoảng đáy của nhân loại! Ôi đất nước sự lụn bại cứ như: “Tiếng rơi rơi mỏng như là rơi nghiêng”. Hèn lắm thay! Đau đớn lắm thay!**
_____________

Ghi chú:
*“Ngày 11/5/2017 tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác, bao gồm Hiệp định hợp tác kinh tế-kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Thỏa thuận về tăng cường hợp tác trong tình hình mới giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2017-2020 giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ khoản vay bổ sung cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội-Hà Đông giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc”.
**Tất cả những bằng chứng dẫn trong bài đều công khai trên mạng truyền thông xã hội từ báo chí của nhà nước Việt Nam.

Nguồn: Dân Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét