Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Nhật thúc giục lãnh đạo thế giới cảnh cáo Trung Quốc



Lãnh đạo 7 nước G7 họp tại Taormina, Italia, ngày 26.5.2017
Cả bảy quốc gia giàu nhất thế giới hồi tháng rồi đã cảnh báo bằng văn bản về tình trạng quân sự hóa Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang xây các đảo nhỏ dành cho chiến đấu cơ và hệ thống radar.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng chính Nhật Bản đã thúc đẩy nhóm G7 lên tiếng cảnh báo trong bối cảnh nước này đang cạnh tranh với Trung Quốc về ảnh hưởng chính trị ở châu Á.
Nhật Bản quan ngại
Collin Koh, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định:

“Tôi nghĩ rằng thời gian gần đây, Nhật Bản đang nỗ lực sử dụng các diễn đàn quốc tế và khu vực khác nhau để phơi bày các hành động mở rộng quân sự và các hoạt động liên quan khác của Trung Quốc”.
“Vì vậy, tôi cho rằng trong bối cảnh này, sử dụng G7 là một diễn đàn đặc biệt kịp thời”.
Nhóm G7, trong đó bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ và một số nước Tây Âu, đã bày tỏ những quan ngại về Biển Đông và Biển Hoa Đông trong một thông cáo chung của các lãnh đạo tại cuộc họp diễn ra từ ngày 26-27/5 tại Ý.
G7 “phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm tăng căng thẳng” và “chúng tôi kêu gọi tất cả các bên theo đuổi việc phi quân sự hóa các địa điểm có tranh chấp”.
Đường băng và các tòa nhà trên đảo nhân tạo ở Đá Subi do Trung Quốc xây dựng
ở quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Trung Quốc, mặc dù không có tên trong bản tuyên bố, đang dẫn đầu trong việc quân sự hóa khu vực Biển Đông rộng 3,5 triệu cây số vuông. Ước tính, Bắc Kinh đã cải tạo khoảng 3.200 ha để mở rộng các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhằm cải thiện các cơ sở hải quân và không quân.
Nhật Bản có một vai trò đặc biệt trong tranh chấp. Nước này không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng lại đối đầu với Bắc Kinh khi liên minh với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại đây.
Nhật Bản và Trung Quốc cũng có tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Tokyo kiểm soát khu vực tranh chấp và tám hòn đảo không có người ở. Trung Quốc năm ngoái đã đưa tàu đến gần các đảo này trong hơn 30 ngày để khẳng định chủ quyền. Thậm chí trong một vài lần còn khiến Nhật phải đưa máy bay ra cảnh cáo.
Trung Quốc còn thù Nhật vì những vấn đề mà Bắc Kinh cho là chưa được giải quyết từ lúc Nhật chiếm đóng Trung Quốc vào thời Chiến tranh thế giới thứ hai.
Nhật Bản muốn đóng vai trò ở Biển Đông
Yun Sun, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Á thuộc trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở tại Washington, nhận định:
“Thủ tướng Nhật rất kiên định về quan điểm là Nhật Bản cần phải có một vị trí danh dự ở Biển Đông”.
Trong khi Hoa Kỳ hiện đang bớt chú ý đến vấn đề này, bà Yun Sun nói, “Tôi nghĩ Nhật Bản có lẽ quan ngại nhất về những gì Trung Quốc đang làm”.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại hội nghị G7.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã dẫn đầu các cuộc thảo luận tại cuộc họp của G7 về an ninh hàng hải, trong số các vấn đề khác, theo trang web của Bộ Ngoại giao Nhật.
“Khi cuộc thảo luận đề cập đến Trung Quốc, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Quốc và rằng G7 nên thúc giục Trung Quốc đóng vai trò xây dựng trong cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Nhật cho biết.
Hoa Kỳ đang rút lui
Các giới chức Nhật Bản đặc biệt lo lắng vì Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt vấn đề Biển Đông sang một bên kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng, Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang, Đài Loan, nhận định.
Tokyo và Washington từ trước tới nay đã hợp tác với nhau trong việc kiểm tra hoạt động mở rộng của Trung Quốc. Nhưng bây giờ, ông Trump muốn Trung Quốc giúp đỡ kiềm chế Bắc Triều Tiên và có phần chắc sẽ không chống lại Bắc Kinh trong lúc hợp tác.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã sử dụng diễn đàn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm 10 thành viên, để đưa ra các “cảnh cáo”, và các cuộc họp cấp cao ở châu Âu “để đưa ra quan điểm và vận động hỗ trợ cho các quan điểm này”, theo lời nhà nghiên cứu Koh.
Trung Quốc tức giận với cảnh báo chống quân sự hóa của G7

Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi tuyên bố của G7 là "vô trách nhiệm".
Trung Quốc gọi tuyên bố của nhóm G7 là “vô trách nhiệm”. Giáo sư Huang nói có thể Bắc Kinh sẽ phản đối G7 vì đang làm nóng lại vấn đề.
“Về cơ bản, Trung Quốc muốn vấn đề này chìm xuống. Vì vậy, nếu G7 không đề cập đến bất cứ điều gì về Biển Đông, thì đó là tốt nhất cho Trung Quốc”, ông Huang nói.
“Tôi nghĩ Trung Quốc tin rằng họ đang làm một điều gì đó về vấn đề này, và không cần thiết phải đưa nó ra vào lúc này”.
Từ khi tòa trọng tài ở La Haye đưa ra phán quyết hồi năm ngoái cho rằng Bắc Kinh thiếu cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền trên 95% Biển Đông, chính quyền Cộng sản đã tìm cách hội đàm với bốn quốc gia Đông Nam Á có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn lên khu vực biển mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của mình.
Cụ thể, Bắc Kinh đề nghị viện trợ phát triển cho Philippines, thảo luận hợp tác hàng hải với Việt Nam và bơm tiền vào Brunei và Malaysia.
Trung Quốc và ASEAN hồi tháng 5 đã đồng ý về phần khung cho bộ quy tắc ứng xử nhằm ngăn ngừa rủi ro trên biển.
Trong một phần phản ứng đối với Trung Quốc, các ủy ban của đảng cầm quyền Nhật Bản đã soạn thảo bản sửa đổi Luật Lực lượng Phòng vệ, cho phép quân đội có nhiều quyền lực hơn là chỉ giữ vai trò là một lực lượng tự vệ được thành lập sau Đệ nhị Thế chiến.
Các lãnh đạo G7 đã thêm vào tuyên bố chung rằng họ muốn “giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh hải thông qua các biện pháp ngoại giao và pháp lý, bao gồm cả trọng tài trung gian”.
Nguồn: VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét