Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

Trung Quốc đang học Mỹ trở thành ‘cường quốc biển’



Duy Linh   


TTO - Một "thế kỷ ô nhục” bị chia năm xẻ bảy đã dạy cho Bắc Kinh thế nào là sức mạnh và mối đe dọa đến từ biển. Trung Quốc đang vươn ra biển như thế nào?


 Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chỉ là một phần trong tham vọng
trở thành cường quốc biển của nước này - Ảnh: China Mil
 
Chuẩn đô đốc Alfred Thayer Mahan (1840-1914), nhà lý thuyết chiến lược hải quân người Mỹ, đã mở đường đột phá trong tư duy khi cho rằng chỉ có “sức mạnh trên biển” mới giúp các nước trở thành cường quốc chứ không phải sức mạnh trên đất liền.
Alfred Mahan chỉ ra sáu điều kiện để một quốc gia có thể trở thành cường quốc biển (sea power), đó là: (1) Có vị trí địa lý thuận lợi; (2) Có bờ biển có thể sử dụng được, nhiều tài nguyên thiên nhiên và khí hậu thuận lợi; (3) Có lãnh thổ đủ rộng; (4) Có dân số đủ đông để tự vệ; (5) Có xã hội hướng ra biển và thương mại đường biển; (6) Có một chính phủ đủ năng lực để làm chủ biển.
Những nhận định trên đã đưa Mahan trở thành lý thuyết gia lớn về biển của thế giới, có ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phát triển biển của nhiều nước.
Trung Quốc hội tụ đầy đủ tất cả những yếu tố trên. Và trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh cũng không che giấu tham vọng trở thành "cường quốc biển", đặc biệt kể từ sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: Sao phải để đến tận bây giờ khi hàng trăm năm trước Trung Quốc đã hội đủ những điều đó?
Trung Quốc chưa bao giờ là cường quốc biển
Lịch sử đã chứng minh phần lớn các nước đế quốc phương tây đều là cường quốc biển trước đó với sức mạnh vượt trội trên biển. Từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đến Hà Lan, Anh và những đế quốc mới nổi sau này như Nhật Bản, Mỹ,… đều sở hữu lực lượng hải quân mạnh trước khi trở thành cường quốc biển và thâu tóm thuộc địa.
Năm 1894, Hạm đội Bắc Dương, lực lượng hải quân “mạnh nhất châu Á” thời bấy giờ của Nhà Mãn Thanh (Trung Quốc), bị người Nhật xóa sổ. Sự đại bại của một quốc gia tự xem mình là “thiên triều” trước một nước châu Á kế cận đã báo hiệu ngày tàn của nó.
Trung Quốc bị các nước đế quốc phương Tây và Nhật Bản chia năm xẻ bảy, bị biến thành một nước nửa thuộc địa phong kiến trong suốt 100 năm.
“Một thế kỷ ô nhục”, theo cách gọi của chính người Trung Quốc về những năm tháng bị xâu xé, đã tước đoạt và thay đổi tư duy của chính họ.
"Muốn quốc gia phú cường thì không thể không quan tâm đến biển. Tiền tài đến từ biển và hiểm nguy cũng đến từ biển” -- nhà thám hiểm hàng hải Trịnh Hòa của Trung Quốc từng nói với vua Minh Nhân Tông năm 1425
Trong suốt nửa sau thế kỷ 20, nhận thức rõ những hiểm nguy đến từ biển, Trung Quốc đã tập trung xây dựng chiến lược “chống xâm nhập/chống tiếp cận” (A2/AD) bằng các hệ thống tên lửa và pháo tầm xa, dày đặc nhất quanh eo biển Đài Loan.
Nhưng điều đó chỉ phản ánh tư duy phòng thủ bị động của Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn chưa thực sự chuyển mình vươn ra biển cho đến khi chiến lược “Hải dương xanh” xuất hiện.
Chiến lược biển dài hơi
 


Chiến lược "Hải dương xanh" và cường quốc biển mang tên Trung Quốc đang ngày càng
thành hình dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters


Được xây dựng và điều chỉnh qua nhiều thời kỳ lãnh đạo từ thời Giang Trạch Dân, chiến lược “Hải dương xanh” dưới thời ông Tập Cận Bình đã có nhiều thay đổi đáng kể.
Năm 2013, vài tháng sau khi lên cầm quyền, ông Tập đã nêu ra sáng kiến “Vành đai và con đường”, bao gồm Con đường tơ lụa trên biển.
Một năm sau đó, trong một báo cáo thường niên chính thức, Trung Quốc xác định cần phải “xây dựng cường quốc biển mang đặc sắc Trung Quốc”.
Để làm được điều đó, một loạt những chỉ đạo từ cấp trung ương đã được đưa ra và ráo riết thực hiện trên tất cả các mặt, từ kinh tế đến chính trị và quân sự.
Đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) nói chung và Hải quân Trung Quốc (PLAN) nói riêng.
Tuyên bố cắt giảm quân số thường trực của PLA xuống còn hơn 1 triệu từ mức 2,3 triệu của Bắc Kinh vào ngày 13-7 thực ra không mới.
Năm 2015, ông Tập từng tuyên bố sẽ cắt giảm 300.000 binh sĩ và “thay máu” PLA. Nhiều đại quân khu đã bị giải thể và sáp nhập, quá trình này diễn ra gần như song song với việc tăng cường năng lực của PLAN bằng các tàu chiến thế hệ mới.
Không phải ngẫu nhiên khi Bắc Kinh tiến hành tôn tạo và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông, PLAN lại tăng cường năng lực hậu cần và khả năng đi biển xa.
Ngay từ năm 2008, các tàu chiến của PLAN đã tham gia hoạt động tuần tra chống cướp biển ở vịnh Eden (Ấn Độ Dương), cách đất liền Trung Quốc hàng ngàn km.
Việc Trung Quốc cắt giảm lục quân và tập trung cho hải quân, theo các chuyên gia, phản ánh rõ “sự thức thời” của nước này.
Chiến tranh Lạnh khép lại, các vùng biên giới tạm yên ổn (chỉ còn một vài điểm nóng tranh chấp khó giải quyết) và các cuộc chiến tranh lớn trên bộ khó xảy ra, đã tạo điều kiện cho Trung Quốc đi ra biển.
Trong bối cảnh mới, Bắc Kinh đang ráo riết thực hiện tham vọng “vươn ra biển lớn”, trước hết là để phục vụ các yêu sách chủ quyền vô lý của họ trên Biển Đông, sau là để sớm hội đủ điều kiện tuyên bố trở thành một cường quốc biển đúng nghĩa.
Nguồn: Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét