Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Không đổ bùn xuống biển, mỗi ngày nộp cho Trung Quốc $620,000



Người Việt   
BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Bị dư luận dồn vào thế không còn đường thoát, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường đành tiết lộ lý do chính khiến chính phủ Việt Nam không lắc đầu với đề nghị đem bùn đổ xuống biển.
Tại cuộc họp báo hôm 3 Tháng Tám, ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường, nói rằng theo hợp đồng liên quan đến việc đầu tư, xây dựng nhà máy Nhiệt Ðiện Vĩnh Tân 1, bên nào chậm trễ sẽ bị phạt, mức phạt là $620,000/ngày. Vì vậy, Tập Ðoàn Ðiện Lực Việt Nam và Bộ Công Thương phải lựa chọn “phương án tốt nhất.”
Tuy ông Hà không giải thích gì thêm nhưng thông tin do ông tiết lộ đồng nghĩa với việc, Việt Nam chỉ còn một đường, gật đầu cho “chủ đầu tư” dự án nhà máy Nhiệt Ðiện Vĩnh Tân 1 đổ xuống biển một triệu tấn bùn. Nếu chần chừ, dự án đầu tư không hoàn tất đúng kế hoạch thì phải nộp tiền phạt vi phạm hợp đồng.

“Chủ đầu tư” dự án này là công ty Ðiện Lực Vĩnh Tân 1 (VTPC1). VTPC1 là liên danh giữa Tập Ðoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV) với Trung Quốc, trong đó phía Trung Quốc góp đến 95% vốn. Sau khi dự án này hoàn tất, nhà máy Nhiệt Ðiện Vĩnh Tân 1 sẽ đốt than để phát điện, bán cho EVN.

Biểu tình hồi giữa Tháng Tư 2015, phản đối nhà máy Nhiệt Ðiện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm, khiến quốc lộ 1, đoạn chạy qua Tuy Phong, Bình Thuận, bị tắc nghẽn suốt hai ngày.

Theo tường thuật của Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, chính Việt Nam đã tự đặt mình vào thế cho VTPC1 đổ bùn xuống biển từ lâu.
Ðầu thập niên 2010, lúc phê duyệt dự án xây dựng nhà máy này (trị giá $1,700 tỷ), Việt Nam đã phê duyệt cả kế hoạch xây dựng hệ thống cảng cho các tàu vận tải ghé vào đổ than. Muốn có cảng phải nạo vét, nạo vét tạo ra bùn, phải có chỗ đổ, chỗ đổ tiện nhất, ít tốn kém nhất đối với “chủ đầu tư” là biển và Việt Nam đã chấp nhận từ lâu.
Dân chúng Việt Nam chỉ chú ý đến các tác động tới môi trường của chuyện đổ một triệu khối bùn ở vùng biển thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, sau khi mục kích hậu quả ô nhiễm ở vùng biển phía Bắc miền Trung hồi Tháng Tư, 2016 do Formosa gây ra.
Hàng chục triệu người bắt đầu chú ý, bày tỏ sự lo ngại khi 30 hécta đáy biển ở vùng biển Tuy Phong sẽ bị phủ một lớp chất thải dày tới ba mét… Khi các chuyên gia khẳng định, do Bình Thuận là vùng nước trồi (hiện tượng hải dương – dòng nước lạnh đặc quánh di chuyển thường xuyên từ phía dưới đáy biển lên tầng cao hơn, thế chỗ cho dòng nước ấm hơn) rất lớn, nên ảnh hưởng của việc đổ chất thải sẽ loang rất rộng… Khi nước biển bị đục thì ánh sáng bị cản trở, ngăn chặn quá trình quang hợp, lưu thông khí, môi trường sống sẽ bị biến thành môi trường chết, phải mất hàng trăm năm mới có thể hồi phục…
Khi đại diện Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn nói, nếu cho phép đổ bùn xuống vùng biển Tuy Phong, họ sẽ thay đổi quy hoạch, không chọn Bình Thuận làm một trong những nơi cung cấp tôm giống để thực hiện chiến lược nâng kim ngạch xuất cảng tôm lên $10 tỷ nữa. Thậm chí bộ này có thể sẽ phải tính lại cả việc thực hiện các dự án quốc tế để bảo tồn nguồn giống các loại cá di cư theo vùng nước trồi ở Tuy Phong…
Ðó cũng là lý do chuyện Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cấp giấy phép cho VTPC1 đổ bùn xuống biển làm hàng chục triệu người phẫn nộ. Rồi các chuyên gia tố cáo, báo giới phanh phui báo cáo biện minh cho việc VTPC1 đem bùn đổ xuống vùng biển mà bộ này sử dụng để khẳng định việc cấp giấy phép cho VTPC1 đổ bùn xuống biển là có… “căn cứ khoa học” đã mạo danh ba nhà khoa học.
Diễn biến gần nhất, được cho là tích cực nhất, khiến nhiều người hy vọng, chính phủ sẽ gạt bỏ kế hoạch đổ bùn xuống biển và yêu cầu Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam mời các chuyên gia thẩm định lại tác động đến môi trường của việc đổ một triệu khối bùn xuống biển…
Ông Hà vừa chính thức cho biết, quan điểm của chính phủ là đặt môi trường lên trên hết nhưng môi trường phải hài hòa với phát triển kinh tế. Năm 2018, Việt Nam có thể đối diện với tình trạng thiếu điện nên tiến độ của dự án xây dựng nhà máy Nhiệt Ðiện Vĩnh Tân 1 phải đáp ứng nhu cầu cân bằng việc cung cấp năng lượng cung cấp cho các tỉnh phía Nam. Trung Tâm Nhiệt Ðiện ở Tuy Phong (ngoài nhà máy Vĩnh Tân 1 còn ba nhà máy phát điện bằng than nữa) đã được quy hoạch từ năm 2007.
Cách trình bày của ông vô tình chỉ ra yêu cầu của thủ tướng hôm 24 Tháng Bảy chỉ nhằm hạ nhiệt dư luận. Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam chưa công bố kết quả “thẩm định độc lập” thì ông Hà đã kết luận, nhiều người nhầm lẫn “vật chất nạo vét từ biển” là chất thải. Luật Biển Quốc Tế, Công Ước London quan niệm “vật chất nạo vét từ biển” là tài nguyên và khuyến cáo cố gắng xem xét tái sử dụng tài nguyên này.
Bây giờ đã có thể hiểu tại sao trước làn sóng phản đối của dư luận, giới hữu trách tại Việt Nam liên tục hứa xem xét, thẩm định lại, kể cả “thẩm định độc lập” chứ chưa bao giờ khẳng định sẽ bác kế hoạch đổ bùn xuống biển. (G.Ð)
Nguồn: Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét