Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Trung Quốc đang có lợi thế chưa từng thấy trên Biển Đông?



Ngọc Lễ
Ngoại trưởng TQ Vương Nghị
Giữa lúc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không mấy quan tâm đến Biển Đông và khối ASEAN gần như mất tác dụng trước ảnh hưởng của Trung Quốc, Bắc Kinh giờ đây “có thể muốn làm gì thì làm trên Biển Đông”, một nhà nghiên cứu về Biển Đông nói với VOA.
Tình hình này đã đẩy Việt Nam vào thế bất lợi, buộc phải nhượng bộ Trung Quốc trong khi Trung Quốc hoàn toàn có thể chi phối quá trình thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử (COC) cho Biển Đông, theo Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia.
Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đầu tháng 8 vừa thông qua “Khung sườn về Quy tắc Ứng xử Biển Đông” ở Manila để làm cơ sở hướng dẫn các cuộc đàm phán về COC.

Giáo sư Thayer, người theo dõi hội nghị ở Manila, nhận định với VOA rằng Bắc Kinh đã chi phối quá trình thảo luận COC theo ý họ.
Nhà nghiên cứu này cho biết quá trình đi tới một bộ quy tắc ứng xử bao gồm ba bước và hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và Trung Quốc (Asean + 1) vào tháng 11 tới sẽ là bước thứ ba khi các nước thúc đẩy quá trình ‘tham vấn’ về COC.
Giáo sư Thayer nhấn mạnh rằng Bắc Kinh gọi các cuộc thảo luận về COC là ‘tham vấn’ chứ không phải ‘đàm phán’ và rằng Bắc Kinh muốn có một COC không mang tính ràng buộc về pháp lý. Trong khi đó, trong số các nước ASEAN, chỉ có Việt Nam và Singapore muốn có một COC mạnh mẽ còn những nước còn lại không muốn mất lòng Trung Quốc.
“Vương Nghị (Ngoại trưởng Trung Quốc) đã nói ở Manila rằng bước thứ ba (của COC) chỉ có thể diễn ra khi tình hình trên Biển Đông ổn định,” ông Thayer cho biết. “Họ có thể viện đến hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải hay bất cứ sự can thiệp nào của Mỹ trên Biển Đông để nói rằng tình hình không phù hợp để bàn về COC.”
Vẫn theo Giáo sư Thayer, ý đồ của Trung Quốc là không muốn Mỹ, Nhật hay Ấn Độ dính dáng gì đến quá trình thảo luận COC và rằng Bắc Kinh luôn khăng khăng đòi từng nước ASEAN phải nêu ra quan điểm về COC mặc dù ASEAN cho rằng không nhất thiết phải có lập trường thống nhất hoàn toàn của cả khối.
“ASEAN thậm chí còn tìm cách để cho các nước có tranh chấp trong khối (Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) gặp nhau trước rồi sau đó mới thông báo cho cả khối biết lập trường của họ nhưng nỗ lực này cũng bị làm cho thất bại,” ông Thayer nói.
Carl Thayer tại Hội nghị Biển Đông USCIS
Ông Thayer dẫn các nguồn tin ngoại giao cho hay Bắc Kinh không muốn phạm vi của COC bao gồm bãi cạn Scarborough và quần đảo Hoàng Sa.
“Vào lúc này thì Trung Quốc đang cầm trịch (quá trình thảo luận COC). Trong số các nước có tranh chấp thì Việt Nam trong nhiều năm qua đã kêu gọi vai trò tích cực hơn của ASEAN,” ông nói. “Trong vấn đề Biển Đông thì Việt Nam đang bị cô lập.”
Do đó, Việt Nam “không có được bất cứ sự ủng hộ nào của ASEAN” về vấn đề Biển Đông, theo ông Thayer. Trong khi đó thì Campuchia “sẵn sang làm tay trong cho Trung Quốc trong ASEAN,” ông nói thêm.
Ông Thayer nói tại hội nghị Manila, Campuchia và nước chủ nhà Philippines đã tìm cách đưa ra khỏi thông cáo chung của ASEAN bất cứ ngôn từ nào mang tính chỉ trích Trung Quốc hay bị Trung Quốc phản đối.
“Hoa Kỳ không thể dựa vào Philippines như là một đồng minh dưới thời (Tổng thống) Duterte. Ông ấy đã hoàn toàn phá hỏng vị thế mà chính quyền ông Obama có được dưới thời cựu Tổng thống Aquino,” ông Thayer nói.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang bận tâm với những vấn đề ở Trung Đông, Afghanistan và Bắc Hàn nên không quan tâm đến Biển Đông. Vì vậy, Trung Quốc được rảnh tay theo đuổi mục đích của họ, theo ông Thayer.
“Đâu là lợi ích chính của Mỹ trên Biển Đông? Bà Hillary Clinton từng tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích quốc gia ở đây. Còn ông Trump đại để không nói gì cả. Ông ấy từng có nói về Biển Đông trong quá trình tranh cử, còn từ đó đến nay ông ấy không nói gì hết,” ông lập luận.
“Chính quyền của ông Trump không có khái niệm gì về những gì đang xảy ra trên Biển Đông,” Giáo sư Thayer nói, đồng thời cho biết rằng Biển Đông chỉ là một phần trong ‘ván cờ lớn’ giữa Mỹ và Trung Quốc và Washington đang cần Bắc Kinh giúp đỡ trong vấn đề Bắc Hàn cũng như nhượng bộ trong các vấn đề kinh tế và sở hữu trí tuệ.
Ông Thayer cũng nhắc tới một diễn biến gần đây khi Trung Quốc điều tàu chiến và tàu tuần duyên đến gần bãi Sandy cách không xa đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines hiện đang kiểm soát thì chính quyền ông Trump “đã không làm gì cả” còn ông Duterte thì cho rằng “tại sao cần phải phòng vệ những bãi cát này trước Trung Quốc”.
Nếu Mỹ, Nhật và Ấn Độ không hỗ trợ cho Việt Nam thì Việt nam phải lùi bước (trước Trung Quốc) nhất là sau khi xảy ra tai nạn (va chạm) của tàu khu trục USS John S. McCain với một tàu chở dầu ngoài khơi Singapore, GS Thayer nhận định.
“Việt Nam còn có thể dựa vào nước nào đây? Malaysia hay Indonesia cũng không thể làm được gì nếu Mỹ không có vai trò mạnh mẽ hơn. Do đó Việt Nam không thể khiêu khích chiến tranh hay đối đầu với Trung Quốc.”
Nhắc lại vụ việc Việt Nam phải rút tàu khoan thăm dò Deepsea Metro ở khu vực gần bãi Tư Chính dưới áp lực của Bắc Kinh, ông Thayer cho rằng Việt Nam “không thể chọc giận Trung Quốc” vì Hà Nội “không thể nào bảo vệ hiệu quả các công trình trên đảo của họ” một khi Trung Quốc tấn công.
“Bất cứ lúc nào Trung Quốc cũng có thể chiếm bất cứ tiền đồn nào của Việt Nam ở bãi Tư Chính. Cho nên nếu đối đầu trực diện thì Việt Nam sẽ thất bại,” ông phân tích.
Trong bài báo có tựa đề “Việt Nam lo lắng sự yếu ớt của Trump đang khiến Trung Quốc trở nên mạnh mẽ”, Nhật báo Sydney Morning Herald của Úc hôm 28/8 cũng nhận định rằng giờ đây Hà Nội đang bị cô lập trong việc dùng luật quốc tế để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tờ báo này dẫn lời ông Richard Javad Heydarian, Giáo sư tại Đại học De La Salle ở Manila, cho biết tại hội nghị Ngoại trưởng Asean ở Manila hồi đầu tháng 8, Việt Nam một lần nữa lên tiếng phản đối Trung Quốc trong khi Hoa Kỳ chỉ đóng một vai trò mờ nhạt.
Đối với những ai đang chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông thì “Trump không giúp ích được gì”, ông Heydarian nói.
“Chúng ta đã chứng kiến sự sụp đổ lòng tin về sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. (Ngoại trưởng) Tillerson không có vẻ như là ông ấy đang đại diện cho một siêu cường tại hội nghị. Ông ấy trông giống như đại diện của một cường quốc hạng hai hơn và mọi người ở hội nghị đều biết ông ấy đang gặp khó khăn tứ bề ở trong nước,” theo Giáo sư Heydarian.
“Nếu Việt Nam phải lùi bước thì đó là do họ không còn có nhiều lựa chọn kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền,” ông Heydarian nói thêm. “Mỹ thật sự đã bỏ rơi Việt Nam vào phút cuối khi họ hủy Hiệp định TPP. Việt Nam phải làm gì đây?”
Còn Giáo sư Thayer thì nhận định rằng: “Chính quyền Trump không cho thấy sự̀ ủng hộ (các nước nhỏ) trong tranh chấp Biển Đông. Philippines thì đầu hàng trước Trung Quốc. Đó là một cú tát vào pháp trị. Không còn luật pháp quốc tế trên Biển Đông nữa. COC cũng vô dụng mà thôi.”
Nguồn: VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét