Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Jack Ma, hãy tránh xa Việt Nam!



Lê Anh Hùng | VOA | 18.11.2017
Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, sự kiện tỷ phú Jack Ma, người sáng lập và là Chủ tịch tập đoàn Alibaba của Trung Quốc, sang Việt Nam từ ngày 4 – 8/11 đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận.
Với giá trị tài sản lên đến 47,6 tỷ USD tại thời điểm tháng 11/2017, Jack Ma hiện là người giàu nhất Trung Quốc và giàu thứ 11 trên thế giới. Ông ta đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về tài năng kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp trong kinh doanh, và thậm chí còn đứng thứ hai trong danh sách “50 nhà lãnh đạo ảnh hưởng nhất thế giới” năm 2017 do tạp chí Fortune bình chọn. 
Với một hành trang choáng ngợp như thế nên chẳng có gì khó hiểu khi công chúng Việt Nam dành cho vị khách đến từ phương Bắc này một sự chú ý đặc biệt. 

Bệ phóng của hàng giả
Khởi sự Alibaba.com với 60.000$ cùng 17 nhà đồng sáng lập khác, Jack Ma đã đưa Alibama phát triển với tốc độ khó tin, trở thành một công ty mẹ với 9 công ty con chính là Alibaba.com, Taobao Marketplace, Tmall, eTao, Alibaba Cloud Computing, Juhuasuan, 1688.com, AliExpress.com và Alipay.
Tuy nhiên, bên cạnh tài năng kinh doanh xuất chúng, con đường Jack Ma đưa Alibaba Group trở thành một đế chế kinh doanh hùng mạnh vẫn băng qua những khoảng tối gây nhiều tranh cãi.
Sự phát triển thần tốc của Alibaba luôn gắn với vô số tai tiếng về kinh doanh hàng giả. Tháng 1/2015, Cục Quản lý Nhà nước về  Công nghiệp và Thương mại của Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu khảo sát, trong đó cho biết chỉ 37% hàng hoá mà họ kiểm tra trên Taobao là hàng chính hãng, 63% còn lại là hàng giả.
Về phần mình, Jack Ma thanh minh rằng vấn đề hàng giả là do luật pháp yếu kém của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó thật khó thuyết phục được ai. Và tháng 5 vừa qua, Alibaba đã bị đình chỉ tư cách thành viên trong IACC (International AntiCounterfeiting Coalition), một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận chuyên chống hàng giả và vi phạm bản quyền.
Trong một báo cáo được công bố ngày 22/6 vừa qua, Tổ chức Cảnh sát Châu Âu (EuroPol) cho biết: Năm 2015, Trung Hoa đại lục và Hong Kong là nơi xuất xứ của 86% hàng giả trên thế giới. Và mỗi năm Trung Quốc kiếm đến 400 tỷ USD từ hàng giả.
Chính phủ Trung Quốc xưa nay vẫn nhắm mắt làm ngơ trước vấn nạn hàng giả ở đất nước này. Và chính sách dung dưỡng hàng giả của Bắc Kinh chắc chắn là một bệ phóng quan trọng cho sự thăng tiến ngoạn mục của Alibaba.
Không quay lưng lại với những gì đã giúp mình thành công, ông chủ Alibaba tỏ ra hồn nhiên: “Hàng giả Trung Quốc còn tốt hơn hàng thật!”
Chưa hết, Jack Ma còn là một “chuyên gia” trốn thuế, khi thành lập công ty APN tại “thiên đường thuế” Cayman Islands rồi thông qua APN để nắm giữ cổ phần trong Alibaba Group và các công ty con.
Tham vọng của Jack Ma tại Việt Nam
Chuyến thăm Việt Nam công khai và ồn ào của Jack Ma vừa qua có thể khiến một số người nghĩ đây là lần đầu Jack Ma đưa Alibaba đến Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh.
Thực ra, Jack Ma đã sang Việt Nam lần đầu cách đây 11 năm. Alibaba cũng đã có một vài đại lý hợp tác kinh doanh ở Việt Nam, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ.
Với việc kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc vài năm qua, nhu cầu tìm kiếm tăng trưởng bên ngoài thị trường nội địa của Alibaba ngày càng trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh đó, tháng Tư năm ngoái, Alibaba đã chi 1 tỷ USD để sở hữu 51% cổ phần Lazada, sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á hiện nay và đang hoạt động tại 6 thị trường chủ chốt là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Tháng 6/2017, Alibaba lại rót thêm 1 tỷ USD vào Lazada để nâng tỷ lệ sở hữu lên 83%.
Hiện tại, Lazada đã chiếm đến 1/3 thị phần thương mại điện tử của Việt Nam. Tại lễ kỷ niệm 5 năm Lazada Việt Nam hồi tháng Ba vừa qua, đại diện Lazada đã tiết lộ tham vọng của mình: duy trì đà tăng trưởng 2 con số mỗi năm, thu hút 80% người mua sắm trực tuyến sử dụng dịch vụ của mình vào năm 2020, và đạt 100 triệu dollar doanh thu trong ngày Cách mạng mua sắm trực tuyến 11/11/2020.
Rõ ràng, mục tiêu của Lazada là thống lĩnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Ngày 12/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Tập Cận Bình đã chứng kiến Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc ký kết bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm công tác, hợp tác thương mại điện tử. Con đường đưa Alibaba tiến vào một thị trường mà Jack Ma ví như “mỏ vàng” qua đó trở nên thênh thang hơn bao giờ hết.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi, Jack Ma đã ký kết hợp đồng hợp tác giữa Alipay  với NAPAS. NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam, với các cổ đông chính là Ngân hàng Nhà nước và 15 ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam.
Còn Alipay là gì?
Alipay là tiện ích thanh toán điện tử do Alibaba sở hữu và phát triển. Nhiệm vụ chính của Alipay là bảo lãnh thanh toán trong các giao dịch trực tuyến. Khi một đơn hàng giao dịch trực tuyến được khởi tạo, Alipay sẽ đóng vai trò là bên trung gian thứ ba đảm bảo cho đôi bên thực hiện giao dịch. Alipay nhận tiền từ bên mua hàng, đóng băng khoản tiền thanh toán rồi thông báo tới bên bán hàng và đề nghị bên bán hàng xuất hàng tới địa chỉ bên mua hàng như cam kết. Sau khi nhận được hàng và hoàn tất việc kiểm hàng, bên mua sẽ gửi xác nhận tới Alipay để gỡ băng khoản thanh toán; bên bán lúc này sẽ nhận được tiền và giao dịch hoàn tất.
Năm 2003, khi sàn thương mại điện tử Taobao ra đời, trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của nó là thiếu một cơ chế tạo niềm tin giữa bên mua và bên bán. Hai bên đều lạ lẫm với nhau nên thiếu tin tưởng lẫn nhau. Người mua không muốn trả tiền trước, còn người bán thì không muốn chuyển hàng trước. Sự ra đời của Ailpay đã giúp giải quyết vấn đề này, mở đường cho sự phát triển bùng nổ của Taobao cũng như các sàn thương mại điện tử khác của Alibaba Group.
Tại Trung Quốc, Alipay hiện có khoảng 450 triệu người dùng, chiếm tới 61,5% số giao dịch trên thị trường thanh toán di động, và đang hướng tới mục tiêu 2 tỷ người dùng trên toàn thế giới vào năm 2025.
Hiện nay, với một ví điện tử Alipay trong tay, người ta có thể dễ dàng thanh toán đơn hàng không chỉ trên những website thương mại của Alibaba mà cả nhiều sàn thương mại điện tử khác của Trung Quốc.
Chưa hết, Alipay còn đang từng bước lấn sân và gạt ngân hàng truyền thống tại Trung Quốc ra rìa, khi khách hàng ngày càng chuyển từ hình thức thanh toán thẻ (vốn là thế mạnh của ngân hàng) sang thanh toán điện tử và thanh toán di động (vốn là điểm yếu của họ), giúp Alipay không chỉ dành được một miếng bánh béo bở, mà quan trọng hơn là độc quyền kho dữ liệu thông tin khách hàng.
Như vậy, thông qua hợp đồng hợp tác giữa Alipay với NAPAS, Jack Ma đã bắn một mũi tên trúng nhiều đích. Thứ nhất, ông ta được tiếng là giúp Việt Nam phát triển thanh toán điện tử và thương mại điện tử như tuyên bố hùng hồn của mình. Mặc dù là mục tiêu đầu tiên nhưng đây lại không phải là mục đích quan trọng nhất, mà chỉ giúp che đậy những mục tiêu thực sự khác của ông chủ Alibaba. Thứ hai, tạo bệ phóng cho sự phát triển của sàn TMĐT thuộc sở hữu Alibaba tại Việt Nam. Thứ ba, mở đường cho sự đổ bộ ồ ạt của hàng hoá “made in China” (chủ yếu là hàng hoá giá rẻ và hàng nhái, hàng giả) thông qua Lazada cũng như các sàn thương mại điện tử khác của Trung Quốc. Nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, hàng hoá Việt Nam cùng nền sản xuất trong nước không bị bức tử ngay trên sân nhà mới là lạ. Thứ tư, giúp Alipay “thò chân” vào trước khi tiến tới lấn sân thị trường ngân hàng Việt Nam.
Và kinh tế quyết định chính trị
Thủ tướng Hun Sen từng nói đại ý là ông ta không lo ngại Trung Quốc bởi Campuchia không tiếp giáp nước này. Trở thành đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh trong khối ASEAN, Hun Sen gần như nhắm mắt cho các nhà đầu tư Trung Quốc mặc sức “làm mưa làm gió” khắp đất nước. Và đến giờ thì có lẽ chỉ còn mỗi Hun Sen là vẫn chưa nhận ra một thực tế là hiểm hoạ “Hán hoá” đã nhãn tiền trên xứ sở chùa tháp.
Hạ tầng kinh tế quyết định thượng tầng chính trị. Đó là quy luật mà dường như các ông chủ Trung Nam Hải mới “ngộ ra” thời gian gần đây trong sách lược với Việt Nam. 
Một nền kinh tế phát triển cao trong hàng chục năm như Trung Quốc dĩ nhiên là có nhiều bài học thành công như Jack Ma. Tuy nhiên, xuất phát từ lịch sử đau thương hàng nghìn năm của dân tộc, cũng những vấn nạn “made in China” đang diễn ra trên khắp đất nước, điều đó không có nghĩa là chính phủ Việt Nam cần mở rộng cửa chào mời họ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post trung tuần tháng 7/2013, Jack Ma đã mô tả vụ thảm sát hàng nghìn người biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc là “quyết định đúng đắn nhất”. Nhận định đó xem ra đã phản ánh đầy đủ cả quan điểm chính trị lẫn chuẩn mực đạo đức của Mã Vân.
“Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán.” Chính phủ Trung Quốc đã hậu thuẫn hết mình cho các tập đoàn công nghệ tư nhân như Huawei hay ZTE rồi biến chúng thành những tập đoàn gián điệp nhằm mục đích thu thập tin tức trên khắp thế giới (Việt Nam đã trở thành “sân nhà” của hai tập đoàn này từ lâu). Nghĩa là, việc Alibaba của Jack Ma nối gót Huawei và ZTE trở thành một công cụ chính trị và kinh tế của Bắc Kinh là một khả năng hoàn toàn thực tế.
Bất luận thế nào, giống như “mối tình hữu nghị” giữa hai quốc gia láng giềng Toracanxi và Hopantomola, lãnh đạo Việt Nam bên ngoài có thể vẫn phải dành “những lời có cánh” cho Jack Ma nói riêng và các ông chủ Trung Quốc tiềm ẩn những hiểm hoạ khó lường nói chung, nhưng bên trong thì cần phải hành động theo mệnh lệnh của hàng chục triệu đồng bào: Jack Ma, hãy tránh xa Việt Nam!

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.
Nguồn: VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét