Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Lee & Man Việt Nam: thất bại mang bản chất hệ thống



Lê Anh Hùng | VOA | 21.9.2017

Mấy ngày qua, một loạt tờ báo nhà nước đã loan tải thông tin về việc các hộ dân ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang khẩn thiết kêu cứu vì tình trạng ô nhiễm nặng nề do Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam gây ra.
Theo các nguồn tin, một hộ dân nằm cách nhà máy giấy Lee & Man khoảng 100 mét cho biết, thời gian gần đây, từ lúc chiều tối đến rạng sáng (6 giờ chiều đến 5 giờ sáng), phía bên nhà máy giấy lại xuất hiện 2-3 cột khói màu trắng đục, cao khoảng 5-10 mét, có mùi giống axít, rất khó chịu. Khi trời không gió, các cột khói bay thẳng lên bầu trời nên không ảnh hưởng đến người dân. Thế nhưng, mỗi khi có gió thổi theo hướng từ nhà máy qua khu dân cư, thì chỉ chừng 15-20 phút sau, làn da của bà con sinh sống gần nơi đây lại có cảm giác khô, căng như bị con gì châm chích.

Ngoài ra, một người dân khác ngụ ở ấp Phú Xuân thì phản ánh là gần đây, cứ vài ngày lại xuất hiện mùi hôi như mùi bồn cầu bùng lên từ khu vực gần các ống xả thải của nhà máy (bên bờ Sông Hậu).

Chưa hết, bên cạnh tình trạng mùi hôi là hiện tượng nước sông khu vực xung quanh nhà máy mà người dân bơm lên sử dụng,  khi qua đêm thì xuất hiện tình trạng “nhớt nhớt” ở bề mặt vật dụng tiếp xúc với nước.
Đây không phải là lần đầu dự án đầy tai tiếng này thu hút sự chú ý của dư luận vì những vi phạm môi trường do họ gây ra.
Tháng 12/2016, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho phép Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải dự án sản xuất giấy. Đến tháng 1/2017, việc vận hành thử nghiệm có tải của nhà máy tạm ngừng để thực hiện các yêu cầu theo kết luận thanh tra của Bộ TN-MT, trước khi vận hành thử nghiệm trở lại vào tháng 3/2017.
Tuy nhiên, khi nhà máy chỉ mới bắt đầu vận hành thử nghiệm trở lại, người dân sống gần nhà máy đã phải gửi đơn kêu cứu khắp nơi khi cuộc sống của họ bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nhà máy gây ra.
Thực ra, không phải đến lúc này, mà ngay từ năm 2007, khi dự án mới được UBND tỉnh Hậu Giang trao giấy chứng nhận đầu tư, đã xuất hiện nhiều tiếng nói phản đối Lee & Man Việt Nam, một dự án không chỉ bất hợp lý mà còn đầy mờ ám.
Đây là dự án của Tập đoàn Lee & Man Paper Manufacturing Limited đến từ Quảng Đông, Trung Quốc, với tổng mức đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD và nằm trong số 5 nhà máy giấy lớn nhất trên thế giới. Tổng diện tích của nhà máy là 82,8ha, nằm trong Cụm Công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm. Tổng thầu xây dựng nhà máy là Công ty Cổ phần Kỹ thuật Hải Thành đến từ Thượng Hải, Trung Quốc.
Từ năm 2007, nhiều nhà quản lý môi trường, doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thuỷ sản tại Hậu Giang đã bày tỏ thái độ hết sức lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường và nghi ngờ khả năng tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy giấy của Lee & Man.
Theo văn bản số 1311/CV-SDR ngày 6/6/2007 của Cục Lâm nghiệp thì trong “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang. Ngay cả Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 - tầm nhìn 2020, cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Về khả năng vùng nguyên liệu, Cục Lâm nghiệp khẳng định là “nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong khu vực chắc chắn chỉ đáp ứng được dưới 20% công suất nhà máy”.
Ngoài ra, Cục Lâm nghiệp còn tính toán là với công suất của nhà máy giấy, mỗi năm sẽ có đến 28.500 tấn xút được thải ra môi trường. Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi nhà máy nằm ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn như vậy. Nếu chúng bị đổ ra Sông Hậu rồi ra biển thì nguồn lợi thủy sản ở sông và biển ở phía Nam sẽ bị huỷ hoại, đồng thời ảnh hưởng rất lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Chưa hết, 80% nguyên liệu nhập khẩu cũng ẩn chứa mối nguy hại tiềm tàng, bởi theo chủ đầu tư đó là giấy phế liệu; nghĩa là khu vực dự án sẽ trở thành nơi tiếp nhận phế thải của nước ngoài, nguy cơ ô nhiễm lại càng khó tránh khỏi.
Hậu Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung không phải là thị trường tiêu thụ của một nhà máy giấy có quy mô nằm trong tốp 5 thế giới. Nghĩa là, địa điểm dự án vừa không phải là vùng nguyên liệu lớn, vừa không phải là khu vực thị trường tiêu thụ chính, lại vừa đặc biệt nhạy cảm về môi trường (nghĩa là để đảm bảo được những yêu cầu ngặt nghèo về môi trường thì chi phí đầu tư sẽ rất cao, trong khi công nghệ của Lee & Man nói riêng và các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung lại bị xếp vào loại lạc hậu).
Vậy điều gì đã khiến các ông chủ đến từ Trung Quốc chọn một địa điểm ngay bên bờ Sông Hậu làm nơi đặt nhà máy, nếu không phải lý do đây là một vị trí đặc biệt lợi hại về quân sự: chiếm lĩnh được vị trí xung yếu này, Bắc Kinh sẽ kiểm soát được Sông Hậu, tuyến đường thuỷ huyết mạch nối liền Biển Đông đến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Nguy cơ này lại càng đặc biệt nguy hiểm bởi Trung Quốc đã và đang âm mưu biến Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, tức bên bờ Biển Đông) và Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu (thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang) thành những căn cứ quân sự trá hình. Ba căn cứ liên hoàn này sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát cả vùng biển phía nam Việt Nam lẫn Sông Hậu. Chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ này trong bài “Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam: một Formosa Hà Tĩnh mới ở đồng bằng sông Cửu Long?” trên VOA ngày 22/6/2016.
Đến tháng 6/2016, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vẫn tiếp tục lên tiếng thông qua bản kiến nghị khẩn cấp gửi Quốc hội và Chính phủ, đề nghị chỉ đạo kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam. Thậm chí đến ngày 6/8/2016, tờ Người Lao Động vẫn còn đăng bài “Sao không dừng Nhà máy Giấy Lee & Man?
Bất chấp mọi lời đề đạt, kiến nghị, cảnh báo, dù khẩn thiết đến đâu, nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam vẫn cứ ra đời và sắp sửa đi vào hoạt động, như thể không hề có chuyện gì xẩy ra cả với nó cả. Những gì đang diễn ra tại Hậu Giang cho thấy, nhà máy giấy đầy tai tiếng và mờ ám này đã thực sự trở thành một hiểm hoạ về quân sự, kinh tế và môi trường tại đồng bằng sông Cửu Long.
Suy cho cùng, giống như Formosa Hà Tĩnh hay hàng loạt thảm hoạ “made in China” khác trên khắp Việt Nam, thất bại mang tên Lee & Man Việt Nam hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên; ngược lại, nó là kết quả tất yếu của hệ thống hiện hành, một hệ thống bao gồm hai thành phần chủ yếu: những kẻ chủ tâm “rước giặc vào nhà” và những kẻ “ngậm miệng ăn tiền”, đồng loã với chúng.

  • Lê Anh Hùng
  • Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

Nguồn: VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét