Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Sau tập trận, Trung Quốc đàm phán với Việt Nam về vùng ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ



RFA
Vòng 8 Nhóm Công Tác Về Vùng Biển Ngoài Cửa Vịnh Bắc Bộ Việt Nam- Trung Quốc vừa diễn ra từ ngày 25 đến 27 tháng 9 tại Bắc Kinh.
Theo truyền thông nhà nước, hai phía trao đổi kỹ về các công tác liên quan vùng biển ngoài khơi cửa Vịnh Bắc Bộ; thẳng thắn bàn bạc về việc kiểm soát thỏa đáng các bất đồng trên biển; kiềm chế không có những hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và mở rộng tranh chấp. Hai phía nói sẽ tuần tự, tiệm tiến thúc đẩy đàm phán về phân định và hợp tác cùng phát triển tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Một trong những căn cứ cho hành xử được nhắc lại tại vòng họp là “thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển’ mà lãnh đạo cấp cao Hà Nội và Bắc Kinh đồng ý với nhau.

Bản đồ khu vực biển Đông và đường 9 đoạn
Hai phía cho biết sẽ sớm tiến hành vòng đàm phán thứ 9 của Nhóm Công tác Về Vùng Biển Ngoài Cửa Vịnh Bắc Bộ.
Trước đó, vào ngày 31 tháng 8 vừa qua, Cục Hải Sự Trung Quốc ra thông báo là Bắc Kinh đang cho tiến hành cuộc diễn tập quân sự trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, từ ngày 29 tháng 8 đến 4 tháng 9.
Theo tọa độ mà Cục Hải Sự công bố thì khu vực diễn tập chồng lấn lên một vùng biển rộng lớn của Việt Nam phía ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Điểm gần nhất chỉ cách thành phố Đà Nẵng 75 hải lý về phía đông. Cơ quan chức năng Trung Quốc còn ra lệnh cấm tàu bè đi vào vùng biển đang có tập trận.
Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó lên tiếng bày tỏ quan ngại về thông báo tập trận của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam; đồng thời đại diện bộ này có giao thiệp với đại diện Đại sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội nhằm nêu rõ lập trường của Việt  Nam đối với chủ quyền tại Biển Đông.
Vừa qua trong phát biểu ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh, cũng nhắc đến vấn đề tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông. Ông này lặp lại phát biểu lâu nay của Hà Nội là cần phải tôn trọng luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế; đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trung Quốc hiện tuyên bố chủ quyền đến 90% Biển Đông nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vạch ra; tuy nhiên theo phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế PCA ở La Haye thì đường đứt khúc đó không có giá trị cả về mặt pháp lý lẫn lịch sử.
Trung Quốc mới đây đã chuyển sang chiến lược ‘Tứ Sa’ để thực hiện âm mưu chiếm hữu Biển Đông, thay vì đường đứt khúc 9 đoạn.
Ngoài Trung Quốc, các bên có tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông gồm Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Nguồn: RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét