Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Tham vọng quân sự Trung Quốc khiến láng giềng bắt đầu lo ngại



Trọng Nghĩa 
Đoàn đại biểu quân đội Trung Quốc đến dự đại hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã nhấn mạnh ước mơ biến quân đội Trung Quốc thành một đạo quân “đẳng cấp thế giới” từ nay đến năm 2050. Theo nhận định của giới phân tích được hãng tin Pháp AFP ngày 01/11/2017 trích dẫn, tham vọng quân sự nói trên bắt đầu gây quan ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc, cho dù chưa phải là mối đe dọa trước mắt.
Nhân Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 18-24/10/2017, hai dấu mốc thời gian mà ông Tập Cận Bình đặt ra cho quân đội Trung Quốc là hoàn thành việc hiện đại hóa vào năm 2035 để đến năm 2050 trở thành một "quân đội đẳng cấp thế giới".

Đối với ông James Char, chuyên gia phân tích quân sự thuộc Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, tuyên bố của ông Tập Cận Bình vừa là thông điệp trấn an các thành phần dân tộc chủ nghĩa vốn rất ủng hộ ông, vừa là “thông điệp gửi đến các nước để biểu thị mong muốn của Bắc Kinh có được một đội quân hùng mạnh tương tự như nền kinh tế của họ”, ngày nay đã đứng hàng thứ hai thế giới.
Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), giáo sư tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Phòng ở Thượng Hải, dĩ nhiên là bênh vực cho tham vọng của Trung Quốc, cho rằng việc nước ông muốn có một quân đội hùng mạnh, “không phải là để bắt nạt các quốc gia khác, mà chỉ để tự bảo vệ mình”, tránh rơi vào trường hợp như Irak hay Libya.
Thế nhưng, theo AFP, việc ông Tập Cận Bình mong muốn xây dựng một đạo quân có thể « đánh và thắng », đã gióng lên hồi chuông báo động ở các nước láng giềng, trong đó có nhiều nước đang vướng vào các tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Trung Quốc.
Với Ấn Độ, Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền trên một số vùng lãnh thổ, và mùa hè vừa qua, hai bên đã có hai tháng trực diện căng thẳng trên dãy Himalaya.
Còn Nhật Bản thì ngày càng bực tức trước việc Trung Quốc thường xuyên cho tàu vào tuần tra trong khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, bất chấp việc đảo đó do Tokyo nắm quyền kiểm soát. Đối với Nhật Bản, sự gia tăng quân sự của Trung Quốc là một “mối quan ngại cho an ninh trong khu vực”.
Cuối cùng, Bắc Kinh tuyên bố họ là chủ của hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia... Kể từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012, Tập Cận Bình cho bồi đắp và củng cố các rạn san hô mà Trung Quốc kiểm soát, cho xây trên đó các cơ sở, trong đó có các cơ sở quân sự.
Bà Juliette Genevaz, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược của Trường Võ Bị Pháp ghi nhận: “Không thể chối cãi rằng sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á… Nhật Bản bắt đầu nói đến việc tái võ trang, Hàn Quốc đang cho triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa, ngân sách quốc phòng của Việt Nam và Philippine đang tăng nhanh.”
Đối với giới phân tích, nếu trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Tập Cận Bình đã rất hung hăng, thì ngày nay, khi quyền lực đã thâu tóm xong, có thể ông sẽ hòa dịu trở lại. Chuyên gia James Char, Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, thẩm định “Chúng ta có thể kỳ vọng là Bắc Kinh trước mắt và trong trung hạn sẽ ít viện đến kiểu ngoại giao cưỡng chế hơn”.
Theo chuyên gia này, Quân Đội Trung Quốc sẽ tiếp tục hoạt động xa hơn và tại những vùng cách xa bờ biển Trung Quốc, và có lẽ cũng sẽ thiết lập thêm nhiều căn cứ ở nước ngoài. Họ sẽ hoạt động thận trọng ở ngoài nước.
Trong bối cảnh đó, điều được chuyên gia này nêu lên là Bắc Kinh sẽ vẫn sẽ tiếp tục hung hăng bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Nguồn: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét